“Chùa cầu” và những mái ngói phủ màu thời gian
Có một loại cầu vừa có chức năng giao thông lại vừa là một dạng “nhà” của cộng đồng. Có thể để nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, ngắm cảnh hay thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Đó chính là những cây cầu mái che lợp ngói vẫn thường được gọi bởi một cái tên mộc mạc – “Chùa ngói” hoặc “Chùa cầu”. Kiểu kiến trúc “Thượng Gia hạ Kiều” – trên là mái nhà, dưới là cầu. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và ngắm nhìn những cây cầu ngói cổ kính. Với những mái ngói phủ màu thời gian.
Cầu ngói Hội An
Cây cầu lợp mái ngói âm dương nằm trong khu di sản thế giới này vẫn thường được gọi tên “Chùa cầu Hội An” và mang nhiều điểm đặc biệt : Vừa là cầu phục vụ nhu cầu đi lại, vừa có ngôi chùa linh thiêng về mặt tín ngưỡng.
Chùa Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản nhưng chùa cầu Hội An với 7 gian gỗ lại mang đậm phong cách Việt Nam với các họa tiết trạm trổ thường thấy trong kiến trúc Việt.
Cầu ngói Thanh Toàn
Tương truyền, cây cầu ngói nổi tiếng nhất xứ Huế này được xây dựng vào năm 1776 bởi vợ của một vị quan lớn. Miếu thờ bà hiện nay vẫn còn ở gian chính trên chiếc cầu 7 gian này. Cửa vào phía trước cầu được khảm hoa văn từ sành sứ nhiều màu. Hai dây bục gỗ sát thành cầu chính là nơi cư dân trong làng thường nghỉ chân hóng mát.
Cầu ngói Phát Diệm
Được xây dựng từ năm 1992, hơn một trăm năm mưa nắng bể dâu, cầu ngói Phát Diệm 3 nhịp 12 gian được làm bằng gỗ lim lợp mái ngói truyền thống vẫn giữ được nguyên vẹn hình dáng và thả bóng xuống dòng sông êm đềm. Người dân thị trấn Phát Diệm luôn tự hào với di sản độc đáo này.
Cầu ngói Chùa Thầy
Xứ Đoài có di tích chùa Thầy trong một khuôn viên non nước hữu tình, lại càng nổi bật hơn với hai cây cầu ngói cổ xưa bậc nhất Việt Nam. Nhật Tiên và Nguyệt Tiên là hai cây cầu ngói được Phùng Khắc Khoan xây dựng vào đầu thế kỷ 17 với thuyết phong thủy cho rằng vị trí chùa thầy được xây dựng chính là trên trán rồng thiêng, đôi cầu ngói này chính là cặp mí mắt rồng.
Nguồn : Amachau, Nguyễn Phong